Thủ tướng yêu cầu giảm chi ngân sách để tăng lương

Các khoản chi thường xuyên được Thủ tướng yêu cầu cắt 5%, giảm hội họp, đi công tác nước ngoài, để dành nguồn lực cho cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết ngân sách đã tiết kiệm hơn 560.000 tỷ đồng để chi cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng sử dụng ngân sách, tài sản công thời gian qua vẫn còn lãng phí, ảnh hưởng đến kỷ cương, hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước. Vì thế, tại Chỉ thị 01 về tiết kiệm chi ngân sách ký hôm nay, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tiếp tục dành nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu dự toán chi thường xuyên ngay từ đầu 2024 phải cắt giảm, tiết kiệm 5%. Các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài cũng cắt giảm.

“Chi thường xuyên phải được tiết kiệm từ khi xác định nhiệm vụ, lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách. Chính sách, đề án mới chỉ trình ban hành khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm”, chỉ thị của Thủ tướng nêu.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 60% tổng chi ngân sách. Tiền tiết kiệm ngoài dành nguồn lực cho an sinh – xã hội, sẽ chi tăng cho đầu tư phát triển, trả nợ, giảm bội chi ngân sách.

See also  Thủ tướng: Không để vốn vào nền kinh tế bị tắc nghẽn

Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc được trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh. Có 861 vị trí làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý là 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí.

Tại chỉ thị hôm nay, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản về kế hoạch vay, trả nợ công 2021-2025. Bộ này cũng có trách nhiệm hoàn thiện quy định về chi ngân sách, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý sử dụng tài sản công.

Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định dự toán chi ngân sách hàng năm, phương án xử lý bù giảm thu cho các địa phương theo khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các khoản kinh phí đã hết thời gian giải ngân, nhiệm vụ chi không được chuyển nguồn sang năm sau. Tương tự, các khoản tạm ứng kéo dài nhiều năm cần được rà soát, thu hồi.

Cùng đó, các đơn vị sự nghiệp công phải sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, có phương án tăng tự chủ tài chính, thu hút nguồn lực bên ngoài vào cung cấp dịch vụ công để giảm áp lực lên ngân sách. Các đơn vị rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng và thu hồi các tài sản dùng sai đối tượng, mục đích. Với các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm.

See also  'Ông lớn' năng lượng Mỹ thoái hết vốn tại Nhiệt điện Mông Dương 2


Phương Dung