Thủ tướng Hun Manet: Tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchia còn nhiều

Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhìn nhận, nếu tích cực kết nối chuỗi cung ứng, tận dụng các hiệp định thương mại đã tham gia, hai nước sẽ cùng “win – win”.

“Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên mà tôi lựa chọn sang thăm chính thức đầu tiên ở cương vị mới”, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia sáng 12/12.

Điều này, theo ông là minh chứng cho mối quan hệ đan xen, hợp tác giữa hai nước kể cả song phương lẫn đa phương. Ông cũng đánh giá, mối quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục phát triển thông qua tăng trưởng thương mại, đầu tư, dịch vụ.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu ở Diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại sáng 12/12 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu ở Diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại sáng 12/12 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Tại Campuchia, theo ông Hun Manet, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, kinh tế nước này vẫn phát triển kiên cường, có tăng trưởng cao, đặt mục tiêu GDP tăng 6,6% vào năm sau. Dòng vốn FDI vào Campuchia cũng tăng trưởng trong những năm gần đây. Trong 10 tháng đầu năm, quy mô vốn đầu tư tại Campuchia tăng 4%, đạt 4 tỷ USD, tăng 66 dự án. Việt Nam thời gian này có một dự án trị giá 73 triệu USD thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

FDI Việt Nam hiện chiếm 2% tổng vốn đầu tư tại Campuchia và theo Thủ tướng Hun Manet “lẽ ra phải cao hơn nữa nếu dựa vào tiềm năng, vị trí thuận lợi của hai nước”. Hai nước hiện có quan hệ gần gũi, môi trường đầu tư thuận lợi, chung chuỗi sản xuất đường dài.

See also  Các địa phương đề xuất phát triển điện gấp nhiều lần quy hoạch

Thủ tướng Hun Manet cho rằng, mặc dù hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt nhiều tiến bộ, tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhất là khi có chung chuỗi cung ứng sản xuất, cùng tham gia các cơ chế hợp tác như Hiệp định RCEP, nhiều lĩnh vực tư nhân có thể bổ sung, học hỏi lẫn nhau… Ông nhìn nhận, nếu tích cực phát triển, kết nối chuỗi cung ứng, tận dụng tối đa hiệp định thương mại mà hai nước đều là thành viên, sẽ tạo ra một kịch bản win – win.

Ông kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đến Campuchia đầu tư nhiều hơn, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghệ số, tài chính ngân hàng, sản xuất ôtô. Đồng thời, ông khuyến khích các nhà đầu tư Campuchia đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng.

Ông cam kết sẽ giữ hòa bình, ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nước này thi hành Luật Đầu tư, trong đó, chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo minh bạch, cạnh tranh công bằng.

Đồng tình với Thủ tướng Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước vẫn còn nhiều dư địa. Do đó, ông cũng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Điều này không chỉ vì sự trưởng thành, phát triển của các doanh nghiệp, mà góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng và phát triển mỗi nước hùng cường.

See also  VCCI: 'Quy định chống vốn mỏng tác động tiêu cực đến doanh nghiệp'

Ông đề nghị các doanh nghiệp cùng với Chính phủ hai bên tăng kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, trong đó, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch. Hai bên cũng cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh trong khu vực. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt tại Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD.

Campuchia là địa bàn lớn thứ hai trong 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

Theo Bộ trưởng, với mong muốn có sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Campuchia, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Campuchia thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của nước này như: công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển các đặc khu kinh tế, du lịch, đặc biệt là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực biên giới.

See also  Thủ tướng đề nghị ngân hàng Nhật tham gia tái cơ cấu nhà băng yếu kém

Đức Minh