Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường

VCB, ACB, TCB, MBB vào nhóm cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index, giúp chỉ số này kết thúc phiên đầu năm mới ở mức 1.131,7 điểm.

Kết thúc năm 2023, VN-Index tăng hơn 12%. Các công ty chứng khoán đều cho rằng trong ngắn hạn, đỉnh cũ 1.130 – 1.135 điểm vẫn là kháng cự của thị trường.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, VN-Index giữ sắc xanh cả ngày, trừ những phút rung lắc nhẹ cuối buổi sáng. Chỉ số đại diện sàn HoSE có diễn biến tích cực hơn hẳn trong nửa đầu phiên khi có lúc tiệm cận 1.140 điểm nhưng nhanh chóng mất đà rồi giảm điểm. Sang buổi chiều, chỉ số này chịu áp lực bán mạnh hơn và hạ dần độ cao.

VN-Index đóng cửa ở mức 1.131,7 điểm, tăng gần 2 điểm so với cuối tuần trước – thời điểm kết thúc năm 2023. Chỉ số này đã có ba phiên tăng liên tiếp, nhưng thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” khi có 299 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn so với 197 cổ phiếu tăng.

Ngân hàng là nhóm có diễn biến tích cực nhất với chỉ số ngành dẫn đầu thị trường sau thông tin Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết hạn mức tín dụng cho các nhà băng ngay từ đầu năm. Hôm nay, VCB tăng 4% lên 83.500 đồng một đơn vị, là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho chỉ số chung. Trong năm 2023, mã chứng khoán của Vietcombank cũng là cổ phiếu tác động tích cực nhất cho VN-Index khi góp hơn 27 điểm.

See also  Hạn chót, hơn một nghìn mã trái phiếu vẫn chưa niêm yết

Ngoài ra, các mã như SHB, MBB, VIB, LPB đều tích lũy thêm từ 1% trở lên. Ngành này còn ghi nhận ACB tăng 2,3% so với tham chiếu, ABB tăng 3,8%.

Dòng tiền của nhà đầu tư cũng đổ về nhóm ngân hàng, ngoài ra còn có hai cái tên quen thuộc là dịch vụ tài chính và bất động sản. Thanh khoản hôm nay tăng cùng điểm số, cao hơn 1.300 tỷ đồng so với phiên cuối năm 2023. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 17.100 tỷ đồng.

Sau ba phiên gom hàng, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng trong phiên đầu năm. Họ xả hàng hơn 350 tỷ đồng, chủ yếu là quỹ FUESSVFL và các mã SSI, VRE, HCM, STB.

Chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) lưu ý nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền chung, là rút ròng ở khu vực mới nổi và cận biên để tăng giải ngân tại các thị trường phát triển khi họ tin vào sự tích cực của nền kinh tế Mỹ và triển vọng giảm lãi suất ngay đầu năm. Do đó, việc bán ròng không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam mà còn được ghi nhận ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan.

Tất Đạt