Bước ngoặt hình thành nội lực cho SHB trong ba thập kỷ

SHB nhiều lần chuyển đổi mô hình, thực hiện các thương vụ sáp nhập, chuyển nhượng nhằm mở rộng quy mô, đặt mục tiêu thành ngân hàng bán lẻ top đầu khu vực năm 2035.

Cuối tháng 11, bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội có chuyến công tác đến Phòng giao dịch SHB Phong Điền, Cần Thơ. Bà gọi chuyến đi như “về thăm nhà cũ”, vì phòng giao dịch này từng đặt dấu mốc khởi đầu của đơn vị – trụ sở Ngân hàng TMCP nông thôn Nhơn Ái (thành lập năm 1993). Nơi đây, có những nhân viên đã gắn bó cả cuộc đời với SHB, chứng kiến một ngân hàng với số vốn 400 triệu đồng vươn lên vào top 5 với số vốn gần 37.000 tỷ đồng. Nhiều người nhận xét “khó tin”, còn với lãnh đạo SHB, kết quả này xây bằng hành trình của tầm nhìn dài hạn, nỗ lực tích lũy và những quyết định mang tính bước ngoặt.

Dấu ấn trong một thập kỷ

Năm 2006, Nhơn Ái chuyển đổi lên mô hình ngân hàng thương mại cổ phần đô thị và đổi tên Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Ngay sau đó, nhà băng bước vào một thập kỷ với nhiều biến động, thực hiện nhiều thương vụ giai đoạn 2012-2022 nhằm tích lũy nền tảng ngày nay.

Sau những chuyển động như chuyển trụ sở ra Hà Nội năm 2008, lên sàn 2009, SHB trong nhận diện của thị trường vẫn là một nhân tố mới dù số vốn lúc đó đạt 5.000 tỷ đồng. Định vị này khiến ngân hàng tạo bất ngờ khi tham gia tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng: sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào tháng 8/2012.

Sau hơn 10 năm nhìn lại, bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc SHB nói: “Đó là một thương vụ đặc biệt”. Lý do, thương vụ sáp nhập thành công hai ngân hàng cùng lúc niêm yết trên sàn chứng khoán, có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới, nhân sự tương đương; giúp SHB tăng gần gấp đôi quy mô. Điều đặc biệt còn nằm vực dậy nhà máy chế biến thủy sản Bianfishco, giữ kế sinh nhai của hàng nghìn hộ nuôi cá tra, người lao động.

See also  'Kiến nghị Chính phủ sớm duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc'

Bà Hà đánh giá, đến nay, thị trường đã có nhiều thương vụ sáp nhập, tiếp quản khác có màu sắc, đặc thù riêng. Nhưng với SHB, cuộc sáp nhập này được đánh giá thành công, từ con người, đến tác động xã hội, sự phát triển. “Minh chứng là đến nay, gần như tất cả nhân viên Habubank vẫn gắn bó với SHB”.

Bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc SHB.

Bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc SHB. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến tháng 12/2016, SHB nhận sáp nhập Công ty cổ phần Tài chính Vinaconex Viettel (VVF) và chuyển đổi thành Công ty Tài chính MTV SHB. Bà Hà nói, thời điểm này đơn vị đang phải xử lý những hậu quả từ Habubank, lại gánh thêm công ty tài chính, tạo nhiều thử thách với nội lực.

Ngày 5/8/2021, SHB ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại SHB Finance cho Krungsri (Thái Lan). Tháng 5 năm nay, nhà băng hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri, đúng kế hoạch đề ra. Thương vụ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cũng như nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng Việt.

Ông Đỗ Quang Vinh – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SHB nói, chiến lược M&A đóng vai trò quan trọng, giúp đơn vị phát triển nhanh và hoạt động hiệu quả hơn.

Đại diện hai đơn vị.

Đại diện SHB và Krungsri tại buổi lễ giới thiệu nhà đầu tư mới ngày 2/6 tại Hà Nội. Ảnh: SHB

Bên cạnh các thương vụ M&A, SHB có nhiều bước đi nhằm mở rộng hệ thống. Năm 2012 đơn vị tiến ra thị trường quốc tế khi mở chi nhánh nước ngoài tại Campuchia và Lào. Đến nay cả hai chi nhánh đã phát triển thành ngân hàng con. Nhà băng còn mở văn phòng đại diện tại Myanmar và có kế hoạch vươn xa hơn nữa ra các thị trường châu Úc, châu Âu, châu Phi.

Liên tục trong nhiều năm, đơn vị nỗ lực tăng vốn điều lệ và nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế. Năm 2018, vốn điều lệ là 12.036 tỷ đồng; tới 2020 tăng lên 17.510 tỷ đồng và hoàn tất ba trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn. Năm 2021, nhà băng tăng vốn lên 26.674 tỷ đồng.

See also  Ngân hàng Nhà nước: Đã có nhà đầu tư muốn tham gia tái cơ cấu SCB

Bà Ngô Thu Hà cho rằng, những thành quả hôm nay bắt nguồn từ tầm nhìn dài hạn với những quyết sách nhanh và đúng đắn. Còn theo ông Đỗ Quang Vinh, những quyết định trong thập kỷ qua giúp cho ngân hàng có quy mô phát triển và hiệu quả ngày hôm nay. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho thế hệ lãnh đạo trẻ.

Nhiệm vụ sáng tạo – chuyển đổi

Đại diện SHB nói, kết quả kinh doanh những năm gần đây thể hiện ngân hàng tăng trưởng mạnh về lợi nhuận và chất lượng. Đơn vị hiện thuộc top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao, tham vọng hướng tới ngân hàng hiệu quả top đầu. Cổ phiếu SHB vào danh sách VN30 nhờ đáp ứng các tiêu chí quan trọng về quy mô và chất lượng.

Phòng giao dịch của ngân hàng. Ảnh: SHB

Phòng giao dịch của ngân hàng. Ảnh: SHB

Năm 2022, tổng tài sản nhà băng hơn 551.000 tỷ đồng, vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 62.577 tỷ đồng, vốn điều lệ 30.674 tỷ đồng, thuộc top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Lợi nhuận trước thuế hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Nhà băng được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức B1, triển vọng tích cực.

Trong năm nay, vốn điều lệ của SHB tăng lên mức 36.194 tỷ đồng, đứng top 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Đơn vị bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trước thời hạn. Ông Đỗ Quang Vinh cho rằng, với quy mô như vậy SHB mới có thể nghĩ đến câu chuyện đầu tư mạnh hơn cho chuyển đổi và phát triển.

Trong tâm thế của một thế hệ lãnh đạo tiếp nối, ông Vinh khẳng định cột mốc 30 năm là sự khởi động cho những kỳ vọng lớn: đến 2027 sẽ trở thành ngân hàng số một về hiệu quả, áp dụng loạt công nghệ hàng đầu, trở thành ngân hàng số được yêu thích nhất Việt Nam, tầm nhìn tới năm 2035 thành ngân hàng bán lẻ hiện đại top đầu khu vực.

See also  Sacombank nhận 5 giải thưởng từ Visa

Để làm được điều đó, SHB bám sát bốn trụ cột: đổi mới thể chế và cơ chế; lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; con người là chủ thể; nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo đó, đổi mới cơ chế, thể chế sẽ có trọng tâm quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại để số hóa các quy trình nội bộ. Kiện toàn tổ chức và nhân sự theo hướng hiện đại, nâng cao tính kết nối… Hoạt động kinh doanh với “khách hàng là trung tâm”, đưa sáng tạo thành yếu tố cốt lõi; sáng tạo thúc đẩy tối đa để tạo ra đột phá. Với công nghệ và chuyển đổi số, nguồn lực tập trung nhằm hiện đại hóa công nghệ, nâng cao tiện ích và quản trị điều hành hệ thống.

Ông Vinh nói, chuyển đổi số không chỉ là cuộc đua về công nghệ. Nền tảng số có vai trò thúc đẩy kinh doanh, vì vậy đầu tư hay không phụ thuộc vào việc công nghệ đó tăng hiệu suất làm việc đến đâu. Từ định hướng này, SHB đang tập trung tạo dựng nền tảng mới. Trước hết là xây dựng được kiến trúc công nghệ thông tin bài bản dựa trên nhu cầu người dùng, cung cấp sản phẩm phù hợp. Thứ hai là xây dựng nền tảng dữ liệu.

Trong công cuộc chuyển đổi, thách thức lớn nhất nằm ở chuyển đổi tư duy. Điều này quay về với trụ cột lớn của SHB: con người. Nghĩa là mọi thành viên phải tự nâng cao năng lực.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển nêu quan điểm: đổi mới, sáng tạo tạo động lực lớn để SHB vươn lên. Ở tuổi 30, đơn vị mang khát vọng vươn tầm. Muốn như vậy, cần phải thay đổi. “Thay đổi từ tư duy, suy nghĩ đến ứng xử và hành động. Cái mới có thể thành công hoặc thất bại, nhưng nếu chúng ta không mở đầu thì sẽ không bao giờ đến đích”, ông Hiển nhấn mạnh.

Minh Huy